Vấn đề nguyên nhân khiến các cá nhân phạm tội đã được đưa ra nghiên cứu từ nhiều thế kỷ trước. Tới đầu đầu thế kỷ 18, một số nhà nghiên cứu đã đặt ra giả thuyết phạm tội có thể do vấn đề gene di truyền. Tới thế kỷ 19, Richard Louis Dugdale (1841-1883) đã công bố công trình nghiên cứu khoa học của ông, chính thức hình thành thuyết phạm tội thừa kế trong tội phạm học.

Richard Louis Dugdale là nhà xã hội học, nhà văn sống tại Pháp. Ông từng được chỉ định đảm nhận chức vụ thành viên ban kiểm tra 13 nhà tù cấp quận trong 6 năm. Trong suốt thời gian trên, Dugdale đã quan sát và tiến hành nghiên cứu, sau đó cho ra đời tác phẩm Dòng họ Juke: Sự nghiên cứu về tội phạm, tình trạng bần cùng, bệnh tật và sự di truyền (1875).
Cụ thể, Richard Louis Dugdale đã phát hiện có tới 6 thành viên của dòng họ Jukes bị giam ở một nhà tù tai ngoại ô thành phố New York. Ông quyết định lấy tên tội phạm Ada Jukes làm cột mốc và nghiên cứu một chi hậu duệ gia tộc này.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ của 1.200 thành viên gia đình hậu duệ của Ada Jukes, Dugdale phát hiện chỉ trong chi này đã có tới 280 người thuộc thành phần bần cùng và vô gia cư, 60 người bị ghi nhận phạm trộm cướp tài sản, 7 người phạm tội giết người, 90 người vướng vào các tội lỗi khác, 40 người mắc bệnh hoa liễu và 50 người hành nghề gái mại dâm.
Đồng thời, Richard Louis Dugdale còn nghiên cứu gia phả một dòng họ có tiếng trong sạch, tài giỏi, là dòng họ Jonathan Edwards. Theo ghi nhận, Jonathan Edwards từng làm hiệu trưởng Đại học Princeton danh tiếng. Hậu duệ dòng họ Edwards của ông có người từng làm tổng thống và phó tổng thống Mỹ, nhiều người thành công trong kinh doanh. Kết quả kiểm tra của Dugdale cho thấy dòng họ Edwards không có bất kỳ người nào được ghi nhận là vi phạm pháp luật.
Cuốn sách, đồng thời là kết quả nghiên cứu của Richard Louis Dugdale, cho thấy tội phạm thực sự có khả năng xuất hiện theo gene di truyền của dòng họ.
Nghiên cứu của Jonathan Edwards

Ngoài Richard Louis Dugdale, nhiều nhà khoa học khác cũng đã tìm hiểu và đưa ra kết quả nghiên cứu cho kết quả tương tự, khẳng định tội phạm có thể xuất hiện theo hệ thống gene di truyền trong dòng họ.
Vào năm 1916, Arthur H. Estabrook đã tiếp tục nghiên cứu một chi khác của dòng họ Ada Jukes (khác với chi đã được Richard Louis Dugdale nghiên cứu), và phát hiện trong 715 người thuộc chi này, đã có tới 378 người hành nghề mại dâm, 170 người ở tình trạng bần cùng trong cuộc sống, và 118 người khác được ghi nhận từ vi phạm pháp luật.
Nhà tâm lý học Henry Gorddard (1866-1957) cũng theo đuổi thuyết phạm tội thừa kế. Ông tìm hiểu gia phả dòng họ chiến sĩ cách mạng Martin Kallikak và phát hiện có sự phân hóa giữa các hậu duệ con ruột của ông với vợ chính thức và hậu duệ của đứa con ngoài giá thú.
Kallikak có một người con ngoài giá thú, là kết quả cuộc tình chớp nhoáng với cô gái làm việc ở hộp đêm. Chi nhánh hậu duệ này có tỷ lệ phạm tội cao, nhiều người được ghi nhận là tội phạm. Trong khi đó, hậu duệ của người con trai giữa Kallikak với vợ hợp pháp lại không có sự xuất hiện của những người phạm pháp. Nghiên cứu cho rằng chi nhánh hậu duệ của người con ngoài giá thú đã bị ảnh hưởng bởi người tình làm việc trong hộp đêm của Kallikak, cũng như con của hai người.
Các nghiên cứu trên đều chỉ ra việc dòng họ sản sinh ra nhiều thế hệ tội phạm nhiều khả năng đã di truyền một đặc điểm thoái hóa gene nào đó từ đời này sang đời khác.
Do ảnh hướng của yếu tố di truyền, nhiều nhà khoa học đặt ra giả thuyết có thể sửa đổi gene ở những đối tượng có khả năng, hoặc đã sớm bộc lộ yếu tố bạo lực. Việc hạn chế gene xấu di truyền sang đời sau này được cho là sẽ làm giảm tỷ lệ tội phạm trưởng thành.
Thực tế, thuyết trên đã dẫn đến sự hình thành và phát triển của phong trào ưu sinh vào thập niên 1920-1930. Tòa tối cao của Mỹ cũng tin vào thuyết phạm tội thừa kế và ủng hộ phong trào ưu sinh. Do đó, vào năm 1924, bang Virginia (cũng như phần lớn bang khác của Mỹ) đã ban hành Đạo luật triệt sản đối với những người phạm tội.
(Cập nhật 26/04/2023 Zing)