Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) đã chụp được một số hình ảnh chi tiết đáng kinh ngạc về Sao Thiên Vương, với hệ thống vành đai bao quanh quả cầu băng khổng lồ này.
Hình ảnh mới về Sao Thiên Vương cho thấy có 11 trong số 13 vành đai – trông như những “chiếc nhẫn” – bao quanh hành tinh này sáng đến mức chúng như hòa trộn với nhau.
Tuy nhiên, điều thực sự làm các nhà thiên văn kinh ngạc là thiết bị camera cận hồng ngoại (NIRCam) của JWST đủ nhạy để chụp được hai vòng trong cùng của Sao Thiên Vương.
Hai vành đai mờ này, trước đây chỉ được “hai con mắt thiên văn” khác nhìn thấy thoáng qua. Đó là tàu vũ trụ Voyager 2 bay qua Sao Thiên Vương vào năm 1986, và gần đây hơn là nhờ hệ thống quang học tiên tiến của Đài quan sát Keck.
Khi Voyager 2 chụp ảnh Sao Thiên Vương trong chuyến bay ngang qua năm 1986, nó thấy hành tinh này chẳng khác gì một viên bi màu xanh trơ trụi, thiếu các vành đai bao quanh.
Bức ảnh mới của JWST là một sự tương phản hoàn toàn, vẽ nên bức tranh về một vũ trụ năng động và luôn thay đổi.
Sao Thiên Vương trông giống quả cầu tuyết màu xanh nhạt và có một quỹ đạo duy nhất trong Hệ Mặt trời. Đó là một khối băng khổng lồ quay nghiêng một góc khoảng 90⁰ tương ứng với quỹ đạo của nó quanh Mặt trời.
Độ nghiêng này khiến Sao Thiên Vương trải qua các mùa khắc nghiệt. Mỗi cực sẽ tiếp xúc với ánh sáng Mặt trời liên tục trong nhiều năm, trước khi chìm trong bóng tối trong một thời gian dài tương đương.
Hiện tại đang là mùa xuân ở cực bắc của Sao Thiên Vương. Điều này có thể được nhìn thấy trong hình ảnh, với chỏm băng sáng lên ở cực bắc của hành tinh băng khổng lồ đang hướng về phía Mặt trời. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học nhìn thấy khía cạnh này của chỏm cực bắc.
Cực nam của Sao Thiên Vương hiện đang ở phía tối của hành tinh và nằm ngoài tầm nhìn trong ảnh, hướng ngược về phía Mặt trời với không gian tối đen như mực.
JWST đã xoay sở để “bắt” được 6 trong số 27 Mặt trăng đã biết của Sao Thiên Vương khi nó chụp ảnh quả cầu băng khổng lồ này. Đây là những Mặt trăng sáng nhất, những cái khác quá mờ để có thể nhìn thấy trong 12 phút tiếp xúc tương đối ngắn.
(Cập nhật 07/04/2023 Tuổi Trẻ)