Press "Enter" to skip to content

Phát hiện mới: Não đào thải độc tố khi ta thức, chứ không phải lúc ngủ

Theo nghiên cứu mới, hệ thống xử lý chất thải của não có thể được kích hoạt sau hoạt động thần kinh căng thẳng.

Hệ thống xử lý chất thải của não có chứa dịch não tủy – (Ảnh: NDTV).

Phát hiện này trái ngược với các nghiên cứu trước đây cho rằng não có thể đào thải độc tố trong khi ngủ.

Theo New Scientist, nhóm nghiên cứu của bà Laura Lewis tại Đại học Boston ở Massachusetts (Mỹ) đã sử dụng các công cụ khác nhau, bao gồm kỹ thuật quét và máy chụp cộng hưởng từ hiện có.

Họ đã yêu cầu 20 tình nguyện viên xem một màn hình hiển thị một mẫu có thể kích thích não bộ hoạt động cao: bàn cờ xoắn ốc đen trắng nhấp nháy.

Trong khoảng 1 giờ, màn hình liên tục được bật và tắt khoảng 16 giây/lần.

Kiểm tra cho thấy lưu lượng máu của các tình nguyện viên đã gia tăng.

Khi màn hình chuyển sang màu tối, lưu lượng máu giảm và lưu lượng dịch não tủy (CSF) vào não tăng lên.

“Điều ngạc nhiên thực sự là các nhà nghiên cứu phát hiện ra hoạt động đào thải chất độc não ở những người tỉnh táo”, tiến sĩ Edoardo Rosario de Natale tại Đại học Exeter ở Anh nói.

Bà Stephanie Williams, một trong những thành viên của nhóm nghiên cứu tại Đại học Boston, cho biết: “Vẫn còn một câu hỏi mở là dịch não tủy đi trực tiếp vào mô não hay nó chảy xung quanh não thất. Nhưng chúng tôi chắc chắn nghĩ rằng nó có ảnh hưởng đến dịch não tủy trong phần còn lại của bộ não”.

Nhà nghiên cứu Lewis cho biết: “Hiện chúng tôi rất quan tâm đến việc hiểu tác động của những thay đổi này trong dịch não tủy và cách nó giao thoa với sức khỏe não bộ”.

(Cập nhật: 03/04/2023 Tuổi Trẻ)